Saturday, 26 November 2016

Thị trường bán lẻ: Mở cửa nhưng vẫn phải xây thêm rào!

  1. Dân trí  ›  
  2. Kinh doanh  ›  
Thứ hai, 20/06/2016 - 16:00

Thị trường bán lẻ: Mở cửa nhưng vẫn phải xây thêm rào!

Dân trí “Nhà mình cửa không đóng nhưng phải có hàng rào kỹ thuật, các nước đều làm để bảo vệ các nhà bán lẻ của họ', đại diện một doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị.
 >> Thị trường bán lẻ: “Phòng tuyến” nào cho hàng Việt?
 >> Giải pháp chống thất thoát cho các chuỗi kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam
 >> Tìm hướng giữ thị trường bán lẻ: 'Chậm còn hơn thấy mà chịu thua”!

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Mở cửa là xu thế không thể đảo ngược

Phát biểu tại Toạ đàm “Nâng cao sức cạnh tranh thị trường bán lẻ Việt Nam” hôm nay (20/6), ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: “Doanh nghiệp bán lẻ ngoại có cơ sở bán lẻ quy mô gấp đôi doanh nghiệp trong nước lại có tiềm lực tài chính, khả năng quản trị… sẽ vừa là động lực phát triển ngành bán lẻ cũng khiến cạnh tranh ngày càng lớn'.

'Nhà bán lẻ ngoại tăng cường hệ thống, từ đó có mối lo doanh nghiệp ngoại tràn vào, đây cũng là mối lo chính đáng. Nhưng trước hết phải có quan điểm nhất quán rằng mở cửa hội nhập là xu thế không thể đảo ngược”, ông Quyền nói.

Trả lời câu hỏi về việc có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư ngoại về thuế đất, lỗ hổng về thuế, khiến doanh nghiệp nội thua cuộc hay không, ông Quyền cho rằng, điều này cần sự phân tích kỹ càng.

'Trước 2005 tuỳ từng dự án có sự ưu đãi, do cách tiếp cận, ưu đãi. Sau 2005 có Luật Đầu tư chung ra đời, không có ưu đãi cho doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực bán lẻ. Nhưng với tiềm lực tài chính mạnh họ cũng có lợi thế. Cũng không loại trừ có chuyện chuyển giá, lỗ vẫn tiếp tục mở rộng, dựa vào tiềm lực tài chính”, ông Quyền thừa nhận.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương: 'Đây là miền đất hứa, chúng ta phải nhìn chiến lược dài hạn. Chúng ta làm sao có cách mở cửa để thu hút được, mở như thế nào, mức độ nào, có cách nào hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam là 2 bài toán cần xử lý. Các bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp cần có đánh giá, đề xuất'.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Đinh Thị Mỹ Loan, trước khi gia nhập WTO, có thời gian dài Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài, trải thảm đỏ cho doanh nghiệp FDI dù trong lĩnh vực doanh nghiệp nội có tiềm năng và lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như phân phối bán lẻ.

'Trong văn bản chính sách không có sự phân biệt lớn gữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI, nhưng thực tế địa phương, không phải nơi nào cũng giống TPHCM chính quyền ủng hộ hết lòng cho các doanh nghiệp bán lẻ. Với nhiều tỉnh thành khác nhau có chủ trương thu hút đầu tư khác nhau, làm cho doanh nghiệp nội mất thời cơ”, bà Loan cho biết.

Bên cạnh đó, bà Loan cũng cho rằng, vấn đề còn là do nhận thức, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Nói rộng ra là cách nhận thức những người làm công tác thương mại ở Việt Nam khi có thời gian dài chúng ta kỳ thị những nhà bán lẻ.

Cửa mở nhưng vẫn cần thêm rào

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, tính đến năm 2015, khối ngoại chiếm khoảng 51% thị phần bán lẻ, phần còn lại chia cho khối nội và khối không xác định gồm các nhà bán lẻ nhỏ lẻ.

“Vì sao có sự cạnh tranh chưa cân sức giữa nhà bán lẻ nội - ngoại? Gốc vấn đề ở đây là nhà bán lẻ ngoại có diện tích bán lẻ lớn hơn, thể hiện tiềm lực mạnh hơn nhà bán lẻ nội. Họ cũng có tiềm lực tài chính hơn nhờ có nguồn huy động vốn lãi suất tốt ở nước ngoài bởi trong kinh doanh, lãi suất tốt thì cũng tạo lợi thế cạnh tranh rồi”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng thừa nhận, doanh nghiệp FDI có bề dày kinh nghiệm quản lý hơn so với doanh nghiệp nội nhờ kinh doanh ở nhiều thị trường và có sự nghiên cứu sâu các thị trường. Ngoài ra, họ cũng có sức mạnh toàn cầu trong liên kết, thu mua nguồn hàng, đặc biệt là thế mạnh logistic.

Dù cho rằng, nhà bán lẻ nội có lợi thế lợi hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt và am hiểu thị trường của mình hơn nhưng ông Nhân vẫn cho rằng, Chính phủ, chính quyền địa phương cần hỗ trợ để tạo động lực phát triển, giúp doanh nghiệp nội tăng khả năng cạnh tranh.

“Nhà mình cửa không đóng nhưng phải có hàng rào kỹ thuật, các nước đều làm để bảo vệ các nhà bán lẻ của họ. Đơn cử như Ấn Độ, bất kỳ nhà bán lẻ ngoại vào đều phải liên doanh với doanh nghiệp nội địa với tỷ lệ tối đa 51%. Ngoài ra còn những quy định khác, như tổng doanh thu bán hàng phải có 30% của các nhà sản xuất nhỏ, vừa trong nước. Malaysia cũng tương tự, nhưng tỷ lệ trong liên doanh tới 70%”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, chính sách chung giữa nhà bán lẻ ngoại, nội cần tạo sự phát triển, động lực cạnh tranh, nhưng phải giữ sự ổn định thị trường và phát triển nhà bán lẻ nội địa. Theo đó, các nhà bán lẻ nội địa sẽ tiêu thụ hàng sản xuất trong nước tốt nhất, vì sợi dây liên kết với các nhà sản xuất trong nước có từ lâu.

Còn theo bà Loan, rào cản hợp lý và hội nhập mà chúng ta có được để bảo vệ các nhà bán lẻ nội non trẻ bao gồm việc kiểm tra yêu cầu kinh tế và danh mục nhà bán lẻ nước ngoài.

'Thời gian qua, thực tế có những lúc những nơi rào cản bị vô hiệu. Sự thật là nhiều lúc, nhiều nơi chưa ý thức rõ nên rào cản của chúng ta ko hữu hiệu”, bà nói.

Đáng lo hơn, bà Loan nhấn mạnh, trước làn sóng ký kết các FTA thế hệ mới, đặc biệt TPP và FTA với EU, một số cơ quan nhà nước cho rằng sẽ không áp dụng rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Đây là điều đáng lo, dù về ý thức trước sau gì những rào cản này sẽ dỡ bỏ và đối mặt cạnh tranh bình đẳng.

'Những rào cản này không phải bỏ ngay từ bây giờ, mà phải có lộ trình. TPP dù đã ký nhưng phải được phê chuẩn và có hiệu lực. Sau khi có hiệu lực thì chúng ta cũng còn thời gian 5 năm mới dỡ bở rào cản. Những gì vẫn còn và có hiệu lực thì vẫn phải giữ, trong cuộc đua cam go này. Các địa phương cần ý thức điều này để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp nội địa”, bà Loan bổ sung thêm.

Phương Dung

Tag : thị trường bán lẻ, cạnh tranh, tiềm lực tài chính, doanh nghiệp bán lẻ ngoại

No comments:

Post a Comment