Sunday, 27 November 2016

Cùng kiều bào tác nghiệp trên tàu KN490

  1. Dân trí  ›  
  2. Thế giới  ›  
  3. Kiều bào  ›  
Thứ ba, 21/06/2016 - 14:00

Cùng kiều bào tác nghiệp trên tàu KN490

Trong cuộc đời làm báo, ai cũng muốn được một lần ra thăm các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK.
 >> Sứ giả của Trường Sa
 >> Hậu duệ họ Lý về với Trường Sa

Các phóng viên tác nghiệp trong chuyến đi Trường Sa tháng 4/2016, chuyến đi trên tàu KN490.

Với đoàn nhà báo chúng tôi, được tác nghiệp trên hải trình của Đoàn công tác số 6 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức cuối tháng 4 vừa qua là một trải nghiệm thật thú vị, nhiều cảm xúc...

Tác nghiệp tại... nhà ăn, boong tàu

Vào dịp cả nước kỷ niệm 41 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 người con mang dòng máu Lạc Hồng sống xa Tổ quốc về từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện hải trình 10 ngày ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Đến với với Trường Sa lần này, đoàn phóng viên vốn là thành phần không thể thiếu của đoàn công tác gồm hơn 20 người đến từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau như: VTV4- Đài Truyền hình Việt Nam; VTC 10 - Đài Truyền hình kỹ thuật số; VOV 5 - Đài Tiếng nói Việt Nam; các báo Nhân Dân, báo Điện tử Đảng Cộng sản, Hà Nội mới, Pháp Luật, Thông tấn Xã Việt Nam…

Đây là năm thứ 5 liên tiếp Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa, nhưng là năm có số lượng kiều bào tham gia đông đảo nhất.

Vì tổ chức liên tục và năm nào cũng có một đoàn nhà báo tháp tùng, nên việc tìm ra những đề tài mới, hấp dẫn và tránh đi vào lối mòn của các đồng nghiệp trước là một thách thức không nhỏ với mỗi phóng viên trong đoàn chúng tôi. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các kiều bào - thuộc nhiều thành phần khác nhau - nên trong suốt hải trình đoàn phải ngủ trên tàu KN 490 (trừ các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội có 2 đêm nghỉ trên đảo để giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ).

Theo lịch trình, hầu như ngày nào đoàn cũng đi thăm từ 2 đến 3 điểm đảo. Thời gian thăm đảo rất ngắn, chủ yếu dành thời gian nghe các cán bộ trên các đảo báo cáo tình hình; thăm tặng quà các chiến sĩ… Vì thế thời gian tác nghiệp của phóng viên rất ít. Luôn sẵn sàng các thiết bị tác nghiệp, nhóm phóng viên tranh thủ mọi lúc, mọi nơi có thể, nhiều nhà báo thường chọn phòng ăn, trên boong tàu, trên đài chỉ huy… để phỏng vấn vì vừa tiết kiệm được thời gian, lại yên tĩnh.

Tuy nhiên với nhóm phóng viên truyền hình như VTC10, Phương Dung VTV4 thì điều này không thể vì phải ghi hình tại hiện trường. Đây cũng là lý do vì sao mỗi khi đến thăm các điểm đảo, nhóm phóng viên luôn là người đến trước và về sau cùng.

Bản tin chiều tàu KN 490

Ngay trong ngày đầu của hải trình ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, nhóm phóng viên đi cùng Đoàn công tác số 6 đã được triệu tập lên phòng họp để giao nhiệm vụ. Tại cuộc họp khẩn này, bà Lê Thị Thu Hằng- quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng Đoàn công tác số 6 và Đại tá Nguyễn Xuân Thanh- Viện trưởng Viện Kiểm sát, Đại diện Cục Chính trị Quân chủng Hải Quân Việt Nam giao nhiệm vụ cho chúng tôi.

Công việc của nhóm phóng viên là làm một bản tin phát thanh nội bộ phát trên tàu trong suốt hải trình 10 ngày. Bản tin phải chuyên nghiệp, trong thời lượng chỉ 15 phút nhưng lại phải hấp dẫn để các thành viên trong đoàn thưởng thức sau một ngày hành trình vất vả. Bản tin gồm các nội dung như cập nhật tình hình thời tiết, các hoạt động trong ngày và giao lưu các khách mời tham gia hát, đọc thơ cũng như chia sẻ cảm xúc sau một ngày đi thăm các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, mỗi thành viên trong nhóm phân công công việc. Người chuẩn bị tin bài, người chuẩn bị lời dẫn, rồi khách mời... Bản tin chiều của tàu KN490 đầu tiên đã lên sóng trong sự chào đón nhiệt tình của thủ trưởng đoàn công tác cũng như các thành viên trong đoàn. Nhà báo Nguyễn Lan Phương, với thế mạnh có giọng đọc truyền cảm và nhiều năm kinh nghiệm làm việc trên VOV, đã đóng góp nhiều cho thành công của bản tin này.

Chị chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi đi thăm các cán bộ chiến sĩ và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Cùng với các hoạt động tác nghiệp của một nhà báo, trong hải trình lần này tôi đã cùng các đồng nghiệp thực hiện bản tin phát thanh nội bộ trên tàu. Có lẽ tôi không bao giờ quên được không khí trên đài chỉ huy vào mỗi buổi chiều… Dù các phương tiện tác nghiệp không đầy đủ như ở VOV nhưng mỗi Bản tin chiều của tàu KN 490 lại là một kỷ niệm đẹp với tôi vì nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bà con kiều bào trong Đoàn công tác”.

Bản tin chiều tàu KN 490 còn là điểm hẹn đặc biệt và thú vị với mỗi thành viên trong đoàn trong suốt hải trình. Sự đóng góp của kiều bào là yếu tố quan trọng để bản tin này thành công. Mỗi buổi chiều chuẩn bị đến giờ lên sóng, nhiều bà con kiều bào đã tập trung lên đài chỉ huy để cùng các phóng viên chuẩn bị cho Bản tin.

Anh Phạm Kiên, kiều bào ở Singapore, người luôn hỗ trợ nhiệt tình về phần kỹ thuật âm thanh để Bản tin được phát sóng. Hay nhà thơ Thái Bá Y- kiều bào Campuchia, anh Trần Hải Linh- kiều bào Hàn Quốc, chị Hồng Hạnh- kiều bào Nhật Bản; đoàn kiều bào ở Đức… mỗi người đóng góp phần mình vào Bản tin; người thì đọc thơ, người thì hát, rồi giao lưu, chia sẻ tâm tư cũng như cảm xúc sau mỗi hành trình thăm điểm đảo.

Thậm chí các phòng ăn còn tự tập hát chung với nhau để biểu diễn trên Bản tin cho cả tàu nghe. Cứ như vậy trong suốt hải trình 10 ngày, chiều nào Bản tin cũng lên sóng đều đặn như sợi dây gắn kết tình cảm bà con kiều bào khắp nơi trên thế giới lại với nhau trên một con tàu KN 490.

Chia sẻ cảm xúc khi nghe bản tin từ tàu KN490, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Những tin tức nóng hổi, những bài thơ vừa mới ghép vần từ những cảm xúc của kiều bào sau mỗi điểm đảo và cả những bài hát mà các đội văn nghệ thành lập từ các phòng ăn, những tâm sự của các thành viên trên tàu muốn chia sẻ cho nhau... đã được nhóm phóng viên “xung kích” biên tập phát lên bản tin. Là người làm việc với báo chí đã lâu, tôi rất hiểu nỗi vất vả, sự bận rộn của các phóng viên sau mỗi một hoạt động. Tôi cũng biết có người trong các anh chị phải chống chọi với những đợt say lắc của sóng nên tôi càng trân quý sự lao động tận tâm tận lực của các anh chị”.

Gắn kết người Việt khắp năm châu

Kể từ khi phát sóng số đầu tiên trong ngày đầu tiên lên tàu, hàng ngày Bản tin chiều của tàu KN490 lên sóng đều đặn vào lúc 17h. Thế nhưng, các thành viên trong nhóm làm Bản tin nhớ nhất ngày thứ hai trên tàu. Hôm đó biển động, sóng to gió lớn. Nơi làm việc của tổ làm tin trên đài chỉ huy tầng 5 của tàu.

Thực sự hôm đó nhiều thành viên trong đoàn mệt vì say sóng. Thế nhưng, đến giờ làm Bản tin các nhà báo trong tổ tin vẫn lên đài chỉ huy như mọi ngày. Tuy nhiên vừa ngồi vào máy tính một lúc để viết tin, tôi không thể chịu nổi vì màn hình máy tính khiến càng say sóng hơn. Tôi đành bỏ cuộc chạy về phòng để nhà báo Lê Hoàng Anh (VTC) cùng các thành viên khác thực hiện Bản tin.

Luôn nhiệt tình với các công việc trên tàu, đặc biệt với Bản tin chiều của tàu KN490, nhà báo Lê Hoàng Anh chia sẻ: “Được thực hiện Bản tin chiều trên tàu KN490 cùng các đồng nghiệp lần này là một trải nghiệm thú vị. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi đã thường xuyên đưa đến những thông tin mới nhất, đầy đủ về hải trình hướng ra Trường Sa thân yêu. Bản tin cũng là cầu nối để chia sẻ tâm tư, tình cảm của bà con kiều bào hướng về biển đảo quê hương thông qua những vần thơ, bài hát và cả những tâm sự đầy tâm huyết, cảm xúc về mỗi tuyến đảo. Chính Bản tin chiều đã là gợi ý cho chúng tôi nhiều đề tài hay, cách thức triển khai tin bài hướng tới cộng đồng, kiều bào một cách gần gũi, tương tác tốt và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Không những thế, Bản tin chiều trên tàu KN490 còn kết nối tâm thức của những người con đất Việt cùng hướng về biển đảo, về Trường Sa thân yêu”.

Rất may là đoàn công tác lần này, chúng tôi đi cùng đại biểu kiều bào đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bản thân con người, tính cách mỗi kiều bào là những “chất liệu” vô cùng “đắt” để có thể sản xuất ra chất riêng cho Bản tin. Càng thuận lợi hơn khi chúng tôi nhận được sự hưởng ứng và hỗ trợ nhiệt tình từ phía bà con kiều bào. Chính những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, những bài thơ cảm xúc từ trái tim của những người con xa xứ được về với biển đảo quê hương đã tạo nên “chất” riêng cho Bản tin chiều của tàu KN490.

Chiều nào cũng vậy, Đại tá Nguyễn Xuân Thanh luôn ngồi sẵn trên đài chỉ huy để động viên nhóm phóng viên chúng tôi làm Bản tin. Khi nào chưa thấy các nhà báo lên đài chỉ huy, ông lại cho loa thông báo trên tàu mời lên làm Bản tin. Trong Bản tin cuối cùng phát trên tàu KN490 trước khi chia tay Đoàn công tác, Đại tá Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ: “Chuyến thăm các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này, nhóm làm tin trực tiếp chỉ đạo nội dung là Cục Chính trị Quân chủng hải quân phối hợp với các nhà báo, đã tổ chức Bản tin rất ý nghĩa. Bản tin được mọi người đánh giá rất hay, thiết thực - là “sân chơi” tinh thần cho mọi thành viên trong đoàn”.

Nhà thơ Thái Bá Y- kiều bào Campuchia, anh Trần Hải Linh- kiều bào Hàn Quốc, chị Hồng Hạnh- kiều bào Nhật Bản; đoàn kiều bào ở Đức… mỗi người đóng góp phần mình vào Bản tin; người thì đọc thơ, người thì hát, rồi giao lưu, chia sẻ tâm tư cũng như cảm xúc sau mỗi hành trình thăm điểm đảo. Thậm chí các phòng ăn còn tự tập hát chung với nhau để biểu diễn trên Bản tin cho cả tàu nghe. Cứ như vậy trong suốt hải trình 10 ngày, chiều nào Bản tin cũng lên sóng đều đặn như sợi dây gắn kết tình cảm bà con kiều bào khắp nơi trên thế giới lại với nhau trên con tàu KN 490.

Theo ​ Phạm Đình Hiệp

Đại đoàn kết

Tag : kiều bào, Người Việt Nam, Quần đảo Trường Sa, tàu KN 490, nhà giàn DK1, Phóng viên tác nghiệp

No comments:

Post a Comment