- Dân trí ›
- Kinh doanh ›
Muốn tăng cước vận tải nhưng... ngại
Nhiều hãng vận tải, taxi muốn tăng giá cước nhưng ngại dư luận phản ứng và áp lực cạnh tranh đang rất lớn
>> Cước vận tải “cố thủ”: Chưa thấy doanh nghiệp nào chết vì giảm cước!
>> Giá xăng giảm mạnh, Bộ Tài chính 'đốc' hạ cước vận tải
>> Doanh nghiệp vận tải chần chừ giảm giá cước
Một giám đốc công ty taxi tại TP HCM cho biết từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã “nhảy múa” đến 6 lần. Nếu cước taxi cũng chạy đua theo giá xăng thì riêng việc điều chỉnh đồng hồ, niêm phong… đã tốn bạc tỉ.
“Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng gần 3.000 đồng/lít. Trung bình, mỗi xe chạy 10 lít xăng được 100 km, vị chi số tiền bù thêm vào của tài xế là 10.000-15.000 đồng/100 km, mỗi tháng bù thêm 1,2-1,5 triệu đồng. Số tiền đó doanh nghiệp có thể gồng gánh được nhưng nếu tăng nữa thì phải đề xuất tăng cước. Tôi nhận thấy giá xăng mới 6 tháng đã thay đổi liên tục. Hiện tại, chúng tôi cũng muốn đề xuất tăng cước thêm 500-700 đồng/km nhưng ngại khách hàng và dư luận có cái nhìn không tốt đối với các hãng taxi” - vị này lý giải.
Nhiều hãng vận tải, taxi muốn tăng giá cước nhưng ngại dư luận phản ứng và áp lực cạnh tranh đang rất lớn. Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, cho biết tới thời điểm hiện tại, hiệp hội vẫn chưa tính chuyện tăng giá cước taxi. Riêng về hãng Vinasun (nơi ông Hỷ đang làm giám đốc điều hành), dự kiến cuối tuần này sẽ họp bàn đưa ra phương án cụ thể, khả năng sẽ không điều chỉnh giá cước. Trong khi đó, đại diện hãng taxi Mai Linh thừa nhận cũng muốn tăng giá cước để có thêm thu nhập cho tài xế nhưng phải thực hiện theo chỉ đạo của Hiệp hội Taxi.
Theo ông Trần Phương Bình, chủ doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến TP HCM - Khánh Hòa, nếu giá xăng tăng 15% thì doanh nghiệp ông và một số doanh nghiệp xe khách khác sẽ họp bàn điều chỉnh bởi tăng một cách đơn lẻ rất dễ bị khách hàng bỏ rơi.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho biết hiện nay, các doanh nghiệp đều muốn tăng cước vận tải nhưng còn nhiều trở ngại, chưa kể một số cơ quan quản lý can thiệp rất lớn vào giá cước. Theo ông Quản, ngành vận tải hàng hóa rất đặc thù, không giống như ngành taxi hay vận tải hành khách. Giá cước vận tải hàng hóa ngoài phụ thuộc vào tiền xăng dầu còn có phí đường bộ và các loại phí khác. Ngoài ra, thị trường vận tải hoạt động theo nhu cầu của chủ hàng, hiện cung đã vượt cầu nên rất nhiều xe container và xe tải cạnh tranh nhau một cách khốc liệt.
“Hiện nay, ngoài 4.000- 5.000 xe container tham gia vào hiệp hội, còn có trên 5.000 chiếc đang hoạt động đơn lẻ. Nếu mình tăng giá cước thì chủ hàng không thuê nữa mà chọn các xe khác. Nhiều đơn vị chạy theo lợi nhuận chấp nhận không tăng giá nên buộc phải chở quá tải, quá khổ để bù đắp chi phí”.
Theo Lê Phong
Người Lao động
No comments:
Post a Comment