Tuesday, 29 November 2016

Lỗ hổng để lọt “tiến sỹ vui vẻ” và “thạc sỹ siêu vui vẻ”

  1. Dân trí  ›  
  2. Giáo dục - Khuyến học   ›  
Thứ hai, 11/07/2016 - 07:20

Lỗ hổng để lọt “tiến sỹ vui vẻ” và “thạc sỹ siêu vui vẻ”

Chia sẻ

Dân trí PGS.TS. Phan Quang Thế, Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Thái Nguyên cho biết như vậy khi bàn đến vấn đề: “Làm thế nào để nghiên cứu khoa học là đòn bẩy của chất lượng giáo dục?”
 >> Giáo sư Ngô Bảo Châu: Nghiên cứu khoa học quyết định đến chất lượng giáo dục

PGS.TS. Phan Quang Thế cho biết, đọc bài trên báo Dân trí về quan điểm của giáo sư Ngô Bảo Châu “Nghiên cứu khoa học quyết định chất lượng giáo dục”, kể cả tôi và không ít nhà quản lý giáo dục ở Việt Nam đều biết và rất đồng tính với quan điểm đó. Kể cả điểm mấu chốt nằm ở đâu? và phải làm thế nào để NCKH có tác dụng thật sự đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và chất lượng của giáo dục có biết cũng khó mà làm được trong bối cảnh hiện nay của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta không thể cứ trốn tránh sự thật mãi được.

Kẽ hở lớn nhất để làm NCKH “ảo”

PGS.TS. Phan Quang Thế đã đưa ra 5 vấn đề đã kéo việc nghiên cứu khoa học hiện nay của Việt Nam hiện nay “thụt lùi”.

Thứ nhất: Các đề tài NCKH của chúng ta từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước nói chung đều không xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, từ yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ở tầm công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước nên tầm của đề tài nói chung là thấp, mục tiêu thì mờ nhạt, không rõ ràng, không định lượng được và làm kiểu gì rồi cũng nghiệm thu được.

Các đề tài khi phê duyệt mặt dù có các hội đồng thực chất vẫn còn mang tính “ban phát” của thời bao cấp. Đây là kẽ hở lớn nhất để làm NCKH “ảo” và một khi làm “ảo” được mà tiền lại thật, công trình khoa học là thật thì sẽ còn mấy người dại gì mà đi làm NCKH thật để mang “nợ” vào thân.

Cứ thế Nhà nước càng đầu tư nhiều tiền thì dường như NCKH tại các trường Đại học lại càng yếu và sự không trung thực trong khoa học của những người “làm khoa học” lại càng có mảnh đất mầu mỡ để phát triển.

Thứ hai: Kết quả của NCKH của hầu hết các đề tài nói chung là không định lượng được, chung chung ai cũng giống ai cả và khó mà tìm ra được nét khác biệt chứ chưa nói đến là có ứng dụng được hay không. Cứ hội đồng thông qua là được và ở đất nước chúng ta để hội đồng thông qua quá dễ, càng ngày lại càng dễ khi mà đất nước ngày càng có thêm nhiều “tiến sỹ vui vẻ” và “thạc sỹ siêu vui vẻ”. Những tiến sỹ này về số lượng áp đảo hẳn so với “tiến sỹ chân chính” và như thế ai sẽ bảo về cho chân lý khoa học đây?

Đằng sau quyết định của hội đồng là quyết định nghiệm thu, là tiền và dấu chấm hết cho một đề tài khoa học. NCKH dường như đang là một con đường hiệu quả để người ta kiếm danh và kiếm tiền chứ không phải thực hiện mục tiêu tốt đẹp của khoa học mang lại hạnh phúc cho dân tộc, cho loài người.

Thứ ba: Đúng muốn làm khoa học phải có nghiên cứu sinh, nhưng thầy của nghiên cứu sinh còn chưa biết làm khoa học và làm khoa học trung thực thì thử hỏi ngoài đào tạo ra một thế hệ kế tiếp không trung thực trong khoa học còn có gì để nói nữa.

Chưa nói đến không ít người làm nghiên cứu sinh không phải là để làm khoa học mà để có vị trí trong Nhà trường và xã hội. Chưa làm xong tiến sỹ đã hỏi Hiệu trưởng có chức vụ nào dành cho em không.

Những tiến sỹ như thế thì trông chờ gì ở họ khi họ làm nghiên cứu sinh và cũng vậy cứ hội đồng thông qua là thành tiến sỹ. Đã quyết rồi thì không ai có thể thay đổi. Nghiên cứu sinh của Việt Nam chỉ cần phải thi Toefl-ITP500 thay cho B2 đang thịnh hành trước khi bảo vệ tiến sỹ thì ít nhất 2/3 đến 3/4 nghiên cứu sinh cũng phải ra về chứ chưa cần phải thi toán, các môn cơ sở và chuyên ngành cao xa làm gì.

Thứ 4: Nhà nước chúng ta đầu tư rất nhiều tiền để đào tạo tiến sỹ ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Họ không về cũng chẳng làm gì được họ, họ về rồi bỏ đi ngay cũng chẳng làm gì được họ. Theo tôi, nếu họ ở lại nước ngoài nhưng nếu chỉ đạo được nhóm nghiên cứu khoa học trong nước thì có lẽ còn tốt hơn về.

Trong nước, thiết bị NCKH hiện nay nói chung không thiếu và đủ hiện đại nhưng cái thiếu là nhà khoa học đầu ngành thật sự và sau đó là người lãnh đạo tâm huyết thật với NCKH. Tiến sỹ nước ngoài về với cơ chế hiện nay nói chung chỉ phát huy được tác dụng trong vài năm sau đó lại bị nhuốm màu NCKH kiểu trong nước.

Thứ 5: Các cơ quan nhà nước hoạt động bằng tiền của Nhà nước nhưng hiền tài thì chẳng thu hút được mà lại thu hút được quá nhiều bất tài, lười biếng, vô ý thức chỉ vì người đứng đầu quan tâm đến lợi ích của họ hơn là lợi ích của đất nước. Chúng ta cứ nói trao quyền tự chủ, trao vào những lãnh đạo kiểu đó chỉ sau vài thế hệ là đủ làm sụp đổ các trường đại học rồi.

Thực tiễn còn cho thấy các cơ quan nhà nước, trường đại học chỉ có thể tuyển dụng mà không thể đào thải được vì họ được bảo vệ vững chắc bởi những kẽ hở của pháp luật cũng như các quy định của Nhà nước. Hơn nữa, chúng ta nghe kể xấu to mồm chẳng biết đúng sai ở đâu đã sợ rồi. Bằng cấp, chứng chỉ cứ trong nước cấp muốn gì là có đủ hết, ai cũng giỏi như ai cả nhưng động đến chứng chỉ quốc tế là vô cùng khó khăn kể cả công bố khoa học cũng vậy.

Cần cơ chế phù hợp từ nhà nước

Mục tiêu lớn nhất của NCKH là khoa học Việt Nam phải tạo ra được công nghệ tiến tiến của người Việt Nam, nếu không làm được điều này thì phải xem xét lại việc đầu tư cho NCKH. Một số giải pháp sau đây có thể tạo nên những thay đổi căn bản trong NCKH. Cụ thể:

Đề tài từ cấp Bộ trở lên phải có mục tiêu rõ ràng thông qua các kết quả định lượng được, ứng dụng được trong thời gian gần hoặc tạo ra được công bố quốc tế có giá trị. Nếu có ý kiến đánh giá của giáo sư cùng lĩnh vực của các trường Đại học ở các nước phát triển trước khi nghiệm thu về mức độ đạt mục tiêu và khả năng ứng dụng của đề tài là tốt nhất. Tiền phải đi liền với sản phẩm định lượng được.

Các đề tài cấp cơ sở chủ yếu phải là đề tài ứng dụng được, tạo ra sản phẩm thực. Không có ứng dụng, không có sản phẩm không nghiệm thu. Với các đề tài cơ bản, kết quả phải công bố được trên các tạp chí có uy tín.

Việc lựa chọn chủ nhiệm đề tài không nên chỉ dựa đơn thuần vào chức danh và học vị mà phải căn cứ vào các công bố quốc tế cũng như kinh nghiệm NCKH của cá nhân với các tiêu chỉ cụ thể không chung chung như hiện nay.

Việc chi thù lao cho chủ tịch hội đồng, các phản biện và ủy viên hội đồng phải tương xứng với năng lực đánh giá khoa học của cá nhân, phải hơn hẳn tiền “bồi dưỡng” từ chủ nhiệm đề tài để nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính khách quan trong đánh giá.

Phải có tiêu chuẩn định lượng đánh giá được năng lực, tâm huyết, trung thực trong khoa học khi xem xét bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học. Chúng ta đang chọn Hiệu trưởng dường như theo kiểu “vừa lòng” cấp dưới “đẹp lòng” cấp trên, nhưng theo Mạnh Tử kiểu như thế là: “Ai cũng ham lợi, nước tất nguy”.

Những hiện trạng và giải pháp nêu trên, các nhà khoa học kể cả chân chính không tự mình giải quyết được, một vài Hiệu trưởng trường Đại học cũng chỉ giải quyết được ở tầm vi mô.

Chỉ có Nhà nước mới làm được, khi mà Nhà nước tìm ra được một cơ chế phù hợp với quy luật khách quan trong quản lý và phát triển khoa học Việt Nam theo kiểu như việc chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh nhân mà ngành Y tế đang triển khai nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và tự điều tiết bằng các quy luật khách quan phục vụ cho việc phát triển NCKH trong các trường Đại học của Việt Nam.

Có như thế, từng bước, chúng ta mới đưa NCKH phục vụ trực tiếp sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng giáo dục như các nước phát triển đang triển khai rất thành công.

PGS.TS. Phan Quang Thế, Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Thái Nguyên

Tag : Trường Đại học kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, Chất lượng giáo dục, giáo sư Ngô Bảo Châu, quản lý giáo dục, hiện đại hóa đất nước

No comments:

Post a Comment