- Dân trí ›
- Thế giới ›
Giúp Lebanon, Nga cứu Syria, mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông
Nga sẽ tiếp tục ủng hộ và trợ giúp Lebanon, trong nỗ lực củng cố chính quyền Syria và mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Trung Đông.
>> Nga tạo địa chấn Trung Đông, lập trật tự thế giới mới
Lebanon tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga
Vừa qua, mở đầu một cuộc đàm phán với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) là ông Konstantin Kosachev, Bộ trưởng Tài chính Lebanon Ali Khalil đã trình bày mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Moscow.
Theo giới truyền thông Nga, Lebanon hy vọng rằng, Moscow sẽ hỗ trợ quân sự bổ sung cho lực lượng vũ trang của nước này để chống lại chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
'Hiện nay, chúng tôi đang trực tiếp chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố, cả trên biên giới phía Bắc và phía Đông, đồng thời cũng tham gia hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Syria” - ông Khalil nói.
Theo vị bộ trưởng này, quân đội Lebanon hàng ngày tham gia những cuộc giao tranh và đụng độ vũ trang với các phần tử vũ trang của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và Dzhebhat en-Nusra (chi nhánh Syria của Tổ chức khủng bố al-Qaeda), vì thế cần đến sự hỗ trợ bổ sung.
Ông cho biết, Beirut đang làm việc với phía Moscow theo hướng tìm kiếm sự hỗ trợ lâu dài của Nga cho các lực lượng an ninh và quân đội. Theo ông, Lebanon muốn tăng cường sự hợp tác với Nga và hy vọng rằng, Điện Kremlin sẽ hỗ trợ quân sự bổ sung cho lực lượng vũ trang của nước này.
Vị Bộ trưởng tài chính Lebanon nhấn mạnh rằng, Nga đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, nhằm tìm kiếm hòa bình và ổn định cho khu vực Trung Đông và có quan hệ tốt đẹp với đại diện của tất cả các lực lượng chính trị ở nước này.
Bình luận về vấn đề này, ông Anatoly Tsyganok - Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự Nga giải thích rằng, rất dễ hiểu là tại sao Beirut đặc biệt quan tâm đến sự hỗ trợ từ phía Moscow.
Điều đó xuất phát chủ yếu từ 2 khía cạnh, thứ nhất là hiệu quả trợ giúp của Nga đối với Lebanon trước đây và quan hệ hợp tác hiện nay; thứ 2 là vai trò to lớn của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và cả tiến trình hòa bình Trung Đông.
2 nguyên nhân khiến Lebanon muốn hợp tác với Nga
Lebanon có lợi lớn trong quan hệ hợp tác với Nga
Lebanon đánh giá cao kết quả hoạt động của tiểu đoàn xây dựng mà quân đội Nga đã gửi đến nước này trong năm 2006, ngay sau cuộc chiến tranh thứ hai của nước này, tức cuộc xung đột vũ trang kéo dài 34 ngày giữa Israel và nhóm vũ trang người Shiite (Shia) Hezbollah.
Ông Anatoly Tsyganok nhắc lại, 10 năm trước đây, các kỹ sư xây dựng quân sự của Nga đã giúp Lebanon xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị phá hủy, đặc biệt là những cây cầu. Beirut đã thấy rõ tính hiệu quả của sự giúp đỡ này nên muốn tiếp tục hợp tác lâu dài với Moscow.
Ông Dmitry Abzalov, chuyên gia thuộc Trung tâm liên hiệp chính trị Nga, nhận xét rằng, Trung Đông đã nhận thức được rằng, Nga mang đậm phong cách xây dựng hơn là phá hoại. Sự hợp tác với Nga sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho các nước này.
Các chuyên gia Nga khẳng định rằng, cũng giống như Liên bang Xô viết trước đây, hiện nay Nga cũng có lợi ích không nhỏ ở Trung Đông, cả lợi ích trước mắt và chiến lược lâu dài, đặc biệt là ở Lebanon.
Ông Anatoly Tsyganok cho biết, kể từ năm 2008 có những cuộc thảo luận về việc tạo ra một căn cứ quân sự lớn của Nga trên bờ phía Nam của Địa Trung Hải, mà sự tồn tại của một căn cứ như vậy sẽ có tầm quan trọng rất lớn trong việc duy trì sự ổn định trong toàn bộ khu vực.
Lebanon là nước nằm trên bờ biển phía Nam, phù hợp hoàn toàn để lựa chọn địa điểm bố trí một căn cứ như vậy. Việc cho phép Nga mở căn cứ quân sự ở bờ Địa Trung Hải sẽ giúp Beirut đảm bảo được an ninh lâu dài, là tiền đề để 2 nước tiếp tục triển khai hợp tác sâu rộng về kinh tế.
Ông Tsyganok lưu ý rằng, nếu nói về sự hợp tác kinh tế thì Lebanon có sức hấp dẫn lớn hơn so với Syria. Nhờ vị trí địa lý trên bờ biển, nước này có nhiều khu đất màu mỡ và có cơ hội phát triển kinh tế biển, cùng với hoạt động giao thương thông qua các cảng của nước này
Nga có vai trò quan trọng bảo đảm hòa bình ở Trung Đông
Theo chuyên gia Abzalov, thế giới Ả Rập hiện chia rẽ, khu vực này có nhiều mâu thuẫn tôn giáo và sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ, xung đột bộ lạc… Do đó, ở khu vực này có nhiều nhóm vũ trang thường xuyên tham gia những đụng độ với nhau và với chính quyền các nước.
Ông Dmitry Abzalov nhận xét rằng, Nga quan tâm trước hết đến việc tăng cường vai trò của mình trong khu vực phức tạp với đầy rẫy 'điểm nóng', nhưng rất quan trọng và có ý nghĩa chiến lược, bởi vì điều đó sẽ giúp nâng cao uy tín của Nga trên trường quốc tế.
Nhà phân tích nhận xét rằng, hiệu quả của chiến dịch không kích IS của lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga ở Syria, các nước khu vực Trung Đông ngày càng ngả theo ý kiến rằng, Moscow là một cường quốc có thể đóng vai trò là “người điều hành hòa bình” trong khu vực.
Theo ông, Moscow không chỉ duy trì mối quan hệ đáng tin cậy với các chính phủ và các đảng phái khác nhau, với các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo ở Trung Đông, mà còn nhiều lần chứng minh ý định trở thành đối tác mang tính xây dựng.
Ví dụ như Nga không hề có ý định gây ra cuộc đảo chính quân sự ở một nước nào đó và sau đó rũ áo ra đi và bỏ mặc đất nước đó bị chiến tranh tàn phá trong hoặc tiếp tục chìm đắm trong các cuộc xung đột tiếp theo (ví dụ như Mỹ đối với các quốc gia Libya, Iraq…)
Theo các nhà phân tích, Hoa Kỳ không còn là một đối tác đáng tin cậy đối với các nước Trung Đông, bởi vì chính sách của Mỹ đầy mâu thuẫn, đồng thời những chiến lược dài hơi bị ảnh hưởng bởi những kỳ bầu cử những “ông chủ mới” của Nhà Trắng.
Hoa Kỳ sẽ bầu cử vào tháng 11 tới. Hiện không thể dự đoán về những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Washington đối với khu vực Trung Đông nhưng rõ ràng là chính sách của Mỹ sẽ có thay đổi. Về mặt này, Nga đảm bảo sự ổn định hơn trong chính sách đối ngoại.
Nga củng cố và tăng cường địa vị và tầm ảnh hưởng ở Trung Đông
Lebanon từng là một phần của Đế chế Ottoman trong hơn 400 năm, nhưng sau Thế chiến thứ nhất, vùng này thuộc nước Syria - lãnh thổ ủy trị của Pháp.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Pháp chia Syria thành nhiều vùng đất theo sắc tộc, Lebanon trở thành vùng cư dân Thiên Chúa giáo chiếm đa số. Ngoài ra, vùng này cũng còn bao gồm một số khu vực có người Hồi giáo và người Druze sinh sống.
Lebanon và cả đất nước Syria cùng giành được độc lập năm 1943, trong giai đoạn Pháp đang bị Đức xâm chiếm. Bản Hiệp ước Quốc gia năm 1943 của Lebanon quy định Tổng thống nước này phải là một người Công giáo Maronite, Thủ tướng phải là tín đồ Hồi giáo Sunni và Chủ tịch Nghị viện phải là một tín đồ Hồi giáo Shia.
Lebanon luôn có mối quan hệ khá tốt đẹp với nước láng giềng Syria, đồng thời chính quyền Damascus của người Alawite (một nhánh của dòng Shia) cũng được coi là “nhà tài trợ chính” (cùng với Iran) của lực lượng vũ trang lớn mạnh nhất nước này là Hezbollah (cũng của người Shia)
Tuy bị các nước phương Tây và Israel cho là tổ chức khủng bố quốc tế nhưng đối với đông đảo người dân Lebanon thì Hezbollah có công đánh đuổi Israel ra khỏi miền nam Lebanon vào năm 2000. Do đó, tổ chức này không ngừng lớn mạnh và lấn át các lực lượng tôn giáo khác.
Hiện nay, đứng đầu tổ chức dân sự của Hezbollah về tư tưởng là Hội đồng Jihad, còn về mặt chính trị, Hezbollah là đảng chính trị lớn nhất, đồng thời có lực lượng vũ trang mạnh nhất ở Lebanon và cũng là lực lượng vũ trang phi chính phủ chính quy nhất và mạnh nhất Trung Đông.
Hezbollah có 18 ghế trong Quốc hội Lebanon, 4 vị trí bộ trưởng trong nội các hiện thời và sở hữu một hệ thống truyền thông khá mạnh, bao gồm nguyệt san Qubth Ut Alla, đài phát thanh Al-Nour, đài truyền hình Al Manar, được đánh giá là thu hút khán giả thứ ba trong khu vực này.
Hiện nay, Hezbollah đang là lực lượng chủ chốt hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cùng với một nước do người Shia cầm quyền khác là Iran. Sự hỗ trợ của 2 đồng minh này cùng với Nga đã khiến chính quyền Alawite của ông Bashar al-Assad đứng vững cho đến hôm nay.
Sự “đồng sinh” của 3 quốc gia này là điều kiện tiên quyết để Nga giữ vững và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, do đó việc Lebanon tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga là điều dễ hiểu và chắc chắn là Moscow cũng sẽ dốc toàn lực để làm cho chính quyền Beirut trở nên vững mạnh.
Theo Thiên Nam
Đất Việt
No comments:
Post a Comment